Không nghe làm sao có thể biết? Không biết làm sao có thể hiểu? Không hiểu làm sao có thể cảm thông và yêu thương?
Nhưng nghe thì có gì đâu mà khó, chỉ cần không bị khuyết tật thính giác thì việc nghe đâu có gì mà khó khăn, phức tạp. Mắt có thể nhắm, miệng có thể nín nhưng tai đâu thể khép. Không muốn nghe thì âm thanh vẫn lọt vào tai được kia mà.
Ấy vậy mà đâu hẳn vậy. Nghe thì ai cũng biết đó, nhưng lắng nghe để thấu hiểu và đến yêu thương lại là một câu chuyện không đơn giản, thậm chí, nó đòi hỏi một sự cố gắng thực tập rõ ràng, một sự quyết tâm chắc chắn. Mình xin chia sẻ vài lỗi thường gặp khi lắng nghe mà có thể khiến cho mọi chuyện trở nên to tát, mối quan hệ vụng vỡ hoặc đi vào ngõ cụt.
Nghe cho có!
Đây là thái độ nghe hời hợt. Nghe theo đúng nghĩa đen của nó. Bạn nghe chỉ bởi bạn không thể khép đôi tai lại, âm thanh tự động chạy vào và lẽ dĩ nhiên nó cũng tự động chạy ra. Chẳng lưu lại chút gì trong ký ức, tâm trí chúng ta.
Thái độ qua loa hời hợt như vậy chẳng những không biết người nói đang nói điều gì mà còn tiếp tục gây tổn thương gián tiếp đến với người đang nói. Đôi khi, người ta tìm đến mình trò chuyện là để được lắng nghe, để được chia sẻ, nhưng thái độ ứng xử của mình lại khiến người ta cảm giác rất khó gần, rất bực bội. Nên câu chuyện nhanh chóng kết thúc…chẳng mấy tốt đẹp. Và chắc chắn trong nhiều lần sau, sự cởi mở ban đầu của người nói cũng sẽ thuyên giảm đi đáng kể, và dần biến mất.
Nghe nhanh – phán vội!
Người ta vừa mới nói với bạn dăm ba câu, hoặc thậm chí bạn chỉ mới nghe có dăm ba chữ là đưa luôn kết luận chắc nịch và tin chắc như bắp kết luận của mình. Sao bạn lại có thể cả tin vào những gì bạn nghĩ khi ngưởi nói còn chưa kịp chấm dứt câu chuyện của họ?
Cách ứng xử này còn gây khó chịu nhiều hơn về cách “Nghe cho có” nữa. Bởi nó vừa hời hợt, vô tâm mà còn có chút đẩy cao cái tôi cá nhân của bản thân. Việc đẩy cao cái tôi cá nhân cũng đồng nghĩa hạ thấp cái tôi của người nghe hoặc xem thường câu chuyện được nhắc đến. Nó cũng khiến cho câu chuyện đi vào bế tắc.
Đôi khi người ta tìm đến bạn không phải để nhận lại một lời phán xét, kể cả lời góp ý. Đơn thuần, họ chỉ muốn bạn nghe một cách thuần túy. Bởi họ đang muốn được “xả”. Cái họ cần là một cái “bao” chứa hết mớ rác thải mà họ đang chất chứa chứ không hẳn cần 1 lời khuyên chứ đừng nói đến một lời phán xét, kỳ thị.
Một người nghe – trăm người biết!
Một khi bí mật đã được người thứ 2 biết thì cũng như cả thế giới biết. Bạn có muốn điều này xảy ra với chính bí mật của mình không? Một câu chuyện được chia sẻ là một sự khó khăn với người nói, càng không dễ để thốt thành lời. Họ cần được giúp đỡ chứ không phải cần được loan tin.
Có lẽ, đôi khi chúng ta vô tình mang câu chuyện của người tâm sự với mình đến với một người khác. Dù cho đó là sự vô tình nhưng cũng đã gây một sự tổn thương cho người đã từng tâm sự với mình. Không khéo sẽ đẩy người than vãn vào chỗ cùng cực nỗi đau.
Hãy lắng nghe chân thành!
Khi không có câu hỏi đúng đắn làm sao chúng ta có câu trả lời đúng đắn, phải không? Nhưng nếu không nghe đàng hoàng thì làm sao chúng ta có thể biết người nói gặp vấn đề gì để đặt câu hỏi?
Lắng nghe thật sự không chỉ đơn thuần là nghe. Nó đòi hỏi chúng ta có sự lắng đọng, sự tập trung và cả sự chân thành. Chỉ khi bạn lắng nghe trọn vẹn thì người nói mới cởi mở trọn vẹn để có thể thổ lộ tâm tư mình. Và từ đó, mới có cơ hội giúp đỡ họ một cách đúng đắn.
Nguồn hình: https://cdn.fractalenlightenment.com/wp-content/uploads/2018/08/deep-listening-696x392.jpg