Hôm nay là 20/11 – là ngày nhà giáo Việt Nam. Hầu hết là người Việt Nam, ai lại không biết về ngày này. Ngày này nhắc chúng ta nhớ đến những người thầy, người cô đã dìu dắt chúng ta, đã hướng dẫn chúng ta, góp một phần không nhỏ để chúng ta trưởng thành. Nhưng nhìn kỹ hơn, chúng ta có thể nhận ra tất cả những người xung quanh ta, đều là những người thầy.
Người thầy cho ta tri thức
Đây là người thầy thường được nhắc đến chủ yếu trong ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 hằng năm. Họ là những người đã cung cấp cho ta nền tảng kiến thức, để làm hành trang vào đời. Chúng ta có thể làm nên sự nghiệp, hay ít nhất là biết đọc, biết viết, cũng một phần lớn nhờ vào công ơn của người thầy tri thức. Có câu, đếm hết sao trên trời, vẫn không sao đếm hết công ơn người thầy. Thật vậy, chúng ta có thể đếm được cũng là nhờ thầy đã dạy cho chúng ta.
Cha mẹ, cũng là những vị thầy đầu tiên và sẽ mãi theo ta đến tận cuối cuộc đời. Ngày nào họ còn thở, ngày đó, họ vẫn sẽ còn truyền trao lại những bài học rất xứng đáng cho con cháu.
Người thầy cho ta nếm mùi đau khổ
Có câu nói: “trường học dạy rồi kiểm tra, trường đời kiểm tra rồi cho ta bài học”. Có những người đi ngang qua đời ta, nói một cách khó nghe, họ chỉ để lại cho ta một mảnh vỡ đau thương. Họ khiến cho ta phải khóc, phải đau, phải khổ. Thậm chí, trông thấy ta gục ngã, họ còn có thể cười trên nỗi đau của ta.
Nhưng, để ý lại, vượt qua cơn đau mà họ dành cho ta, chúng ta mới thật sự trưởng thành. Chúng ta mới giựt mình thoát khỏi cơn mê. Và chúng ta lại trở nên mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn. Nhờ câu chuyện khổ đau đó, chúng ta lại có cơ hội nhìn lại. Nhìn lại bản thân, nhìn lại những sai lầm, rút ra bài học xương máu.
Tỉnh rồi thì mới thấy, họ cũng giúp chúng ta, chỉ là cách giúp của họ có phần khác biệt và khiến chúng ta quá đau đấy thôi. Đôi khi, cha mẹ của chúng ta cũng đóng vai ác chỉ để chúng ta có cơ hội được khôn lớn!
Người thầy bỏ mặc ta
Đang lúc lâm vào bế tắc mà được người chỉ đường thì còn gì tốt hơn. Ta nợ họ một ân tình. Nợ tiền, nợ bạc, nhiều bao nhiêu trả rồi cũng hết. Cái nợ ân tình không đong đếm được lấy đâu mà trả. Nhưng có những khi, ta gào thét lên nhờ họ giúp đỡ, chẳng những không nhận được lời khuyên, mà họ còn thẳng chân đạp mình xuống. Đau lắm. Uất hận lắm.
Nói thì có vẻ khoa trương. Nhưng chỉ cần bản thân không từ bỏ, điều đó lại vô tình trở thành cơ hội rèn luyện. Họ bỏ mặc ta, đó là quyền của họ, nhưng ta không nên từ bỏ chính mình. Và đó là bài học những vị thầy này dạy cho chúng ta. Chưa hẳn họ không biết cách làm đâu, chẳng qua họ không muốn chúng ta ỷ lại, dựa dẫm vào họ mà đánh mất cơ hội của bản thân.
Lòng tri ân
Người biết ơn chưa chắc là người hạnh phúc, nhưng người hạnh phúc chắc chắn phải biết ơn. Siddhartha, sau khi ngồi thiền 49 ngày đêm dưới cội bồ đề, ngài đã đạt được trí tuệ giải thoát, mà ngài gọi đó là “tỉnh thức”. Ngài quay lại cội cây, chấp tay xá cây một cách thành kính. Cái cây kia, dưới mắt con người chúng ta, nó có giúp ích gì được. Họa chăng, nó chỉ che nắng cho chúng ta mà thôi. Thế nhưng, với Đức Phật thì khác, Ngài biết ơn cội cây đã che chở và góp một phần quan trọng vào con đường thành tựu tuệ giác của mình.
Đôi khi, chúng ta còn kỳ lạ hơn. Có những người đã giúp ta 99 lần, duy chỉ 1 lần họ không thể. Chúng ta lại khó chịu, thậm chí lật đổ 99 lần trước mà ta từng nhờ cậy. Thật ra, ở lần thứ 100, họ chỉ muốn giúp chúng ta theo một cách khác mà thôi. Họ im lặng, họ phớt lờ, họ cho ta một bài học đau thương, nhưng biết đâu đó lại là bài học.
Nhưng ngày lễ tri ân này, cá nhân mình muốn gửi lời tri ân đến 2 bạn. Không có bài học đau thương năm nào, mình vẫn còn yếu đuối và mê mờ lắm. Cách đây khoảng 1 tháng, bạn quay lại kiểm tra mình. Lại một lần nữa mình được học một bài học mới. Thật lấy làm thẹn vì thầy dạy mà trò không chịu nghe, nên lần kiểm tra trước lại lần nữa không thành công. Sẽ cố gắng để lần sau không phụ lòng thầy.