Một hôm, trong lúc có nói chuyện với đứa con của mình, cậu bé quay mặt sang chỗ khác. Nó tránh không cho ba của nó có thể thấy những giọt nước mắt của nó. Nhưng ba của nó cũng đã không còn trẻ nữa, ba chợt nhận ra cử chỉ cũng như cảm xúc của con. Ba không cản con, hay nói đó là đúng hay sai, ba lặng lẽ nhìn và cảm thấy thương cho cậu bé. Chỉ mới hơn 5 tuổi.
Càng lớn dường như chúng ta sẽ học cách kiềm chế cảm xúc. Đâu đó, tôi lại được nghe, trưởng thành là khi chúng ta biết cách kiềm chế, che dấu cảm xúc của mình. Bởi lẽ đó, nếu một người đã lớn nhưng khi gặp chuyện gì thì lại la toáng lên, gào thét, khóc than, thì ôi thôi, có khác gì mà trẻ nít trong thân xác to con đâu. Bởi thế mà càng lớn, chúng ta càng cố nén những cảm xúc của bản thân lại. Bởi chúng ta sợ bị người ta lên án, sợ bị chê cười, sợ không được công nhận là đã lớn, đã trưởng thành! Suy ra thì cũng vì sợ bản thân bị tổn thương, chính xác hơn là sợ cái tôi của bản thân bị tổn thương. Nên chúng ta che dấu nó đi, để bảo vệ cái tôi của mình.
Nói vậy cũng hơi oan. Chúng ta đâu chỉ che dấu cái cảm xúc cho bản thân thôi đâu. Mà còn vì người thân xung quanh ta nữa. Ta không muốn họ buồn, không muốn bị lây nhiễm bởi những năng lượng tiêu cực mà ta đang phát tiết. Thôi thì thà một người đau còn hơn cả bè cùng khổ. Một dòng status tiêu cực của ta văng ra, hàng trăm người bạn của mình bị hưởng lây. Chẳng mấy ai vui. Người quan tâm ta sẽ cảm thấy xót xa. Người ghét bỏ ganh tỵ ta sẽ thấy hả hê vui thú. Vậy thì việc gì phải phô bày cái cảm xúc xấu xí ấy ra cho mọi người biết. Che lại có phải là hay hơn!
Cứ thế, ngày qua ngày, dù có chuyện gì, chúng ta cũng cố che đậy. Vì người cũng được mà vì bản thân cũng chẳng sao. Miễn nó chẳng là gì đó tai hại, thì có vẻ nó ổn. Người ta cũng bảo thế kia mà.
Nhưng đến một ngày, bỗng nhiên, chúng ta lại vỡ òa. Như nước tràn bờ đê, bao nhiêu che đậy cảm xúc của bản thân bị vỡ tung. Nó tuôn ra mà không sao khống chế được nữa. Những người thân gần bấy lâu vẫn ngỡ mình là một người luôn tươi vui, luôn có sức sống năng động, nay một phen ngỡ ngàng. Cả đến bản thân cũng không thể nhận ra đó là chính mình. Tại sao mình lại có thể hành động một cách mù quáng và hồ đồ đến vậy.
Nếu bạn đã từng chạm đến cái hụt hơi này. Bạn hãy nên mừng thì có lẽ tốt hơn. Một cú hích báo hiệu thật ra bạn đã “quá tải” chịu đựng. Càng che đậy bao nhiêu, thì “mớ rác” trong bạn càng đầy ứ ra bấy nhiêu. Không sớm thì muộn, chúng cũng tuôn ra cả thôi. Càng lớn, càng trưởng thành, không phải là học cách che đậy cảm xúc bản thân. Mà là học cách sống chung với nó. Như người dân miền lũ, họ làm gì được khi đến mùa thiên tai. Khóc than à? Khóc thì cũng khóc rồi, than cũng đã thấu tận mây xanh rồi. Nhưng kết quả thì sao? Cách tốt nhất cũng không phải cố gắng mỉm cười khi cơn đau thấu xương đến, đừng cố tỏ vẻ bản thân là Quan Vân Trường tỉnh táo đánh cờ khi tay bị cạo xương.
Bạn là một con người chứ không phải là một bậc thánh. Bạn cần sống và cần thở vì chính mình. Nỗi đau bạn chịu đựng, người khác không mang cùng. Bạn la lên một tiếng, họ có thể bỉu môi chê bạn, nhưng họ không gánh nổi đau như bạn đang gánh. Họ chê bạn, nhưng họ không sống thay bạn. Rồi khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng, họ đã đẩy bạn đi, đã dìm bạn xuống thay vì đến để nâng đỡ bạn lên, hay cho bạn một cái ôm đầy nhân tình.
Càng lớn, không phải là càng tìm cách che dấu cảm xúc, mà nên sống một cách hài hòa với nó.