Sao ta không sống thật tốt cho hôm nay

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV từng nói: “hãy sống một cuộc đời tích cực, vì khi nhớ lại, bạn như thể sống thêm một lần nữa”.

Nhành ký ức sẽ mãi theo bạn, dù câu chuyện xảy ra lúc bạn chỉ là một đứa bé, và giờ thì bạn đã tay ẳm tay bồng những đứa con. Nếu thời thơ ấu, bạn bị lạm dụng hay bị xâm hại hay bị tấn công, sau này dù lớn lên, câu chuyện quá khứ có thể đã không còn nữa nhưng nhành ký ức đó vẫn đeo đuổi bạn. Bạn sẽ không dễ dàng mở lòng với một người lạ, luôn trong tâm thế phòng thủ, dè chừng, âu lo, căng thẳng. Khi vô tình gặp phải một tình cảnh tương tự, bạn sẽ hốt hoảng, sự căng thẳng sẽ tăng cao và dễ dàng khiến bản thân mất bình tĩnh. Chính vì vậy, những người bị sang chấn tâm thần thường có lối sống khép kín, bởi họ sợ rằng lại một lần nữa họ bị đe dọa, bị tấn công. Họ sẵn sàng ngắt kết nối với tất cả vì cảm giác thà một mình vẫn yên ổn hơn. Nhưng khi ngắt kết nối, một hội chứng tiếp theo sẽ xảy đến với họ. Đó là trầm cảm. Trầm cảm không đơn thuần chỉ là một bệnh lý và có thể qua loa chữa trị bằng những viên thuốc tăng nồng độ hóa chất cơ thể. Nếu làm được điều đó, trầm cảm đã không phải là điều đáng báo động như WHO từng cảnh báo. Khi phải kể về những vết tích năm xưa, những người bị tổn thương này, khó có thể sống trong trạng thái bình an, dễ chịu được.

Đó là những trường hợp không mong đợi, không mong muốn. Nhưng có cả những tình huống chúng ta lại chủ động tìm đến những điều tiêu cực để bản thân nhận lấy không ít những hậu quả không hay. Tâm lý bất an sẽ khiến chúng ta đào xới, truy tìm những điều khiến chúng ta bất an vì ta nghĩ, chỉ khi tìm thấy hết những điều gây cho ta cảm giác bất an thì ta mới được an. Càng cố tìm kiếm chúng ta lại càng trở nên căng thẳng, lo âu và bất an lại bủa vây. Cảm giác này sẽ nhân lên ngày càng rộng hơn và mãnh liệt hơn. Đến một lúc, bản thân sẽ cảm thấy thế giới đầy những biến động, âu lo, căng thẳng. Những người này tự tay đưa mình lọt vô cái bẫy mà bản thân dựng lên. Họ đẩy họ rơi xuống một cái hố tiêu cực và rồi mắc phải hội chứng rối loạn âu lo. Hội chứng này là anh em bè hội với trầm cảm. Điều xảy ra tương tự với nhóm người này là khi phải kể về những sự kiện trong đời, họ thường mang những trạng thái âu lo, căng thẳng, áp lực. Họ vẫn thường nghĩ lo lắng sẽ giúp cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Như kỳ thực thì lo lắng và chuẩn bị không hề liên quan nhau, trái lại, trong sự lo âu căng thẳng thường dễ khiến sự chuẩn bị thiếu xót, vụng về. Điều đáng tiếc tiếp theo, những người đón nhận câu chuyện của họ cũng sẽ bị lây mạch cảm xúc bất an như họ. Và rồi căn bệnh âu lo này sẽ trở thành một chuỗi lây lan rộng khắp, khiến cho những ai không có những cơ chế phòng vệ tốt đều có nguy cơ sập bẫy. Mà tiếc là ngày nay người ta thường qua loa cho việc phòng vệ trước sự lây lan của “tâm bệnh”.

Dù ở hoàn cảnh nào, những nhành ký ức này sẽ theo sau tất cả chúng ta và mỗi khi nhớ lại, là một lần ám ảnh và khổ đau. Chúng ta sẽ không muốn đối diện với nỗi khổ đau. Chúng ta tìm cách chạy trốn, đặt nó lên vai của người nào đó, chẳng hạn như những nhà tâm lý trị liệu hay những người mà ta gọi là thương yêu họ. Buộc họ phải có trách nhiệm tháo gỡ những tổn thương trong lòng ta xuống. Nếu họ không làm được, hoặc họ là kẻ vô dụng, hoặc họ chẳng đủ yêu thương. Nhưng có mấy ai để ý lại rằng, chính họ – những người đang mang những nỗi lo âu, căng thẳng – mới thực sự là người có thể giúp cho chính bản thân. Cứ cầm mãi ly nước trên tay, rồi than sao mỏi tay quá, nhức tay ghê. Nghe người nào đó khuyên hãy đặt ly nước xuống, họ liền căng thẳng quát lại rằng, làm sao có chuyện bỏ ly nước này được. Cứ ôm mãi nỗi khổ đau đó rồi lại cầu xin thần Phật ban cho một phép nhiệm mầu nào đó để cầm mãi mà không đau, không mỏi. Nếu cứ cầm mãi ly nước trên tay, chẳng bao lâu, tay sẽ mỏi, lâu chút nữa, tay sẽ bị tê và mất cảm giác trong thời gian ngắn. Nếu cứ cố gắng cầm, rất có thể cái tay đó sẽ trở nên vô dụng. Bạn sẵn sàng đánh đổi 1 cái tay quý giá để giữ mãi một ly nước không còn dùng được nữa hay sao? Hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng nói đặt ly nước xuống, nhưng mấy người sẽ chịu thực hành. Không những không đặt bớt xuống, mà còn chất chứa ngày một nhiều hơn. Đó là hành động tiêu cực vì sẽ hủy hoại đời sống của chính bản thân. Chỉ cần đặt ly nước xuống, bạn có thể tự do dùng cánh tay đó cho rất nhiều hoạt động khác nữa, như chơi thể thao, múa hát. Đó là hành động tích cực. Và khi ai đó hỏi về những điều này, bạn sẽ rất tự tin để chia sẻ, cứ như thể bạn được sống thêm một lần nữa!

Đời người, chỉ sống được có một lần. Sao cứ phải ôm những nỗi khổ đau, đi tìm những vết khứa trong tim hay bám víu vào những điều sai lầm để tự chuốt khổ cho bản thân. Sao không sống một cách tích cực, suy nghĩ kỹ lưỡng, chín chắn. Để một mai khi phải nhắm mắt xuôi tay, mọi người xung quanh ta thì khóc, còn ta thì lại có thể mỉm cười vì cuộc đời đã rất tốt đẹp đối với ta.

Please follow and like us:

Bài liên quan

Bắt đầu nhập từ khoá bên trên và nhấp enter để tìm kiếm. Nhấn ESC để huỷ.