Có bao giờ bạn trở nên mệt mỏi, bế tắc, cảm giác như xung quanh không phải là thế giới dành cho mình. Bạn muốn bỏ chạy, chạy thật xa, nhưng lại không rõ sẽ đi về đâu. Chỉ biết là phải đi, phải chạy, bởi nơi này cô đơn quá, quạnh quẽ quá. Bạn muốn chạy đi chỉ để khỏa lấp khoảng không đang ngày càng to ra trong tâm trí bạn.

Trong bài hát “Buồn của anh” – một sáng tác HIT của nhóm K-ICM, Đạt G – có một câu hát gây cho mình một cảm giác rất trống trải: “Chạy đi đâu để có niềm vui vùi chôn nỗi buồn?”. Ở một bài hát từng gây sóng khác – “Người lạ ơi” sáng tác bởi Châu Đăng Khoa – bắt đầu cũng là một câu đầy trống trải: “Tôi lạc quan giữa đám đông, nhưng khi một mình thì lại không. Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng”.

Có vẻ đúng…

Quả thật, đang cô đơn thì chỉ muốn chạy đi đâu đó ồn ào náo nhiệt để vơi bớt nỗi cô đơn. Đang buồn bã trống vắng thì chỉ muốn tìm đến một điều gì đó vui hơn để vùi lấp nỗi buồn hiện tại.

Dường như cảm giác cô quạnh, trống trải đáng sợ này lại trở thành một chất xúc tác mãnh liệt giúp cho ra đời những sáng tác đình đám. Từ trong rất nhiều thế hệ, và cũng trong nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau. Cảm giác này đã ăn sâu vào trong tiềm thức chúng ta, nên khi chạm phải những thông điệp “cùng tần số”, chúng ta rất dễ bị hút.

Nhưng có thật đúng!

Để ý lại, khi chúng ta đến được nơi huyên náo vui nhộn kia, điều mà chúng ta đang làm lại là “cố”. Tức là chúng ta đang miễn cưỡng để bản thân cảm thấy được ổn, chứ chúng ta không thực sự tìm thấy niềm vui. Chúng ta ép bản thân trở nên vui chứ không thực vui. Dùng niềm vui bên ngoài để vùi chôn nỗi buồn sâu lắng bên trong, liệu có là giải pháp tốt? Và hơn hết, liệu nó có thành công không?

Nếu thực sự giải quyết được, thì có lẽ, chúng ta chỉ cần chạy đi một lần thôi chứ nhỉ? Nó chỉ có tác dụng nhất thời, bởi, đằng nào đi chăng nữa, cũng sẽ đến lúc, “chỉ còn ta với nồng nàn”. Và đó cũng là lúc chúng ta lại một lần nữa đối diện với cảm xúc tê cứng kia. Dĩ nhiên, chúng ta lại một lần nữa…bỏ chạy.

Đi đâu để có niềm vui?

Bạn mất niềm vui bên trong mà lại đi tìm bên ngoài, có thể nói bạn đang bị lạc lối. Tiếc là, cái lối này xưa nay nhiều người lạc nên dần dần lại thành lối…mòn. Một vị vua thời Trần của nước ta sau khi đã trở thành thiền sư, đã khuyên:

Ở đời vui đạo phải tùy duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền,
Trong nhà của báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Trúc Lâm Yên Tử Đệ Nhất Tổ – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Bạn có để ý câu thơ thứ 3 mà nhà vua-thiền sư để lại không. “Trong nhà của báu thôi tìm kiếm (Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch)”. “Của báu” của một vị thiền sư cũng không khác chúng ta đâu, đó là niềm an vui. Nó ở bên trong chúng ta đó. Nên việc chúng ta chạy ra bên ngoài để khỏa lấp nỗi trống trải bên trong sẽ khó có thể thành công. Tốt hơn hết là quay vào lại bên trong để tìm kiếm khoảng trống này để điều phuc, nó sẽ hiệu quả hơn!

Nhưng quay lại thì chúng ta lại phải đối diện với cảm xúc tê cứng mệt mỏi kia. Liệu chúng ta có thể vượt qua và liệu đó có thể giúp chúng ta có cảm giác bình ổn được không?

Mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác sau nha!

Nguồn hình: https://www.1800runaway.org/wp-content/uploads/2015/12/boy-1042683_1280.jpg
Please follow and like us:

Bài liên quan

Bắt đầu nhập từ khoá bên trên và nhấp enter để tìm kiếm. Nhấn ESC để huỷ.