Thiết lập Tịnh Độ là quyển sách thầy Nhất Hạnh giảng giải về bản Kinh A-di-đà. Cơ duyên nào mình đọc quyển sách này? Nếu nhớ không lầm, mình mua quyển sách này tầm giữa đầu năm 2021, nhưng mãi đến tận những ngày gần đây thì mới bắt đầu đọc. Trước đây mình chưa từng đọc qua bản Kinh A-di-đà, dù có đôi lần vẫn thoáng nghe những ý nghĩa trong Kinh. Mình muốn đọc một cách tường tận và hiểu nhiều nhất có thể về bản kinh nên đã chọn mua tập sách này của Thầy. Nhưng có lẽ, một phần do bản thân vẫn không tin rằng với một hành động niệm 10 câu thôi thì có thể đến được khung trời ước mơ đó, một phần khác thì mình vẫn thấy chốn này còn đầy những điều vui, vẻ đẹp nên cũng không tha thiết lắm đến cảnh giới kia. Nhưng rồi, sự kiện Thầy vắng bóng xảy ra, tối hôm đó, mình ghé Tu Viện Tường Vân để cùng Tăng thân nơi đó làm lễ tưởng niệm vị Thầy khả kính. Nơi đây, thầy Phước Tiến đã dùng bản Kinh A-di-đà do thầy Nhất Hạnh dịch để làm lễ tưởng niệm và nhớ ơn. Vậy là duyên lành hội đủ, mình đã đọc trọn vẹn bản kinh A-di-đà, vậy thì không lý do gì để tiếp tục trì hoãn việc đọc bản giảng luận của Thầy nữa.
Thế giới Tịnh Độ, hay Cực Lạc là một bức tranh tuyệt đẹp do Đức Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta thông qua bản kinh A-di-đà. Thế giới ấy rất đẹp. Trong thế giới ấy, có tiếng suối tuôn róc rách, có tiếng chim hót véo von, có tiếng thông reo rì rào. Ánh sáng từ hòa của thế giới an lành được tỏa ra từ vị pháp chủ cao quý nhất cùng hàng vạn những thượng thiện nhân nơi đó. Nơi đó không tất bật, không có nỗi lo toang khống chế, không bị nỗi sợ hãi đè ngự, không có những chướng ngại tâm lý làm mệt mỏi, căng thẳng. Chỉ là những khung trời êm dịu. Nó quá đẹp.
Và với vẻ đẹp như thế, tất thảy chúng ta đều muốn ghé đến. Chúng ta chưa biết nơi đó là nơi nào, nhưng chúng ta nghe kể nó đẹp quá, thơ mộng quá, an lành quá, và ta rất muốn đến. Bởi ở nơi đây, quá nhiều sự lộn xộn, quá nhiều sự lao xao, quá nhiều những bộn bề lo toang. Tất cả những gì đang có ở bên cạnh ta, đều làm ta mệt mỏi và chán chường. Chúng ta muốn tìm đến một nơi an lành, êm dịu, mà nghe Người đáng tin cậy giới thiệu cho chúng ta biết nơi đó có thật, có thể đến được, thì chúng ta liền trỗi dậy ý muốn muốn ghé đến đó, ở lại đó. Đó cũng là cả một nghệ thuật tài tình của Đấng Pháp Vương, người biết cách giới thiệu cho chúng ta một cõi đẹp đẽ, để khơi dậy ý muốn đến ở nơi đó của chúng ta. Nhưng để đến đó, chúng ta cần phải có đủ tài đức và căn lành. Mà một trong những căn lành mà ta có thể gieo trồng đó chỉ đơn giản là một câu niệm – Namo Amitabaha. Dễ thế thôi đấy.
Xưa mình không tin điều này. Làm gì có chuyện dễ ăn thế. Nhưng rồi sáng nay, trên đường mình lên tu viện Tường Vân, mình vừa đi vừa ngẫm. Chợt nhớ ra một tích truyện thời Đức Phật tại thế đã độ cho một người rất kỳ lạ. Người này theo cái nhìn của trưởng lão Xá-Lợi-Phất và cả trưởng lão Mục-Kiền-Liên đều không thấy được căn lành gì cả, một con người không thể độ hóa được nữa. Nhưng Đức Thích Ca đã không, người đã nhìn sâu hơn, và nói, hơn 100 kiếp trước, vị “khó độ” này trước khi lâm chung đã vô tình buộc miệng niệm: “Namo Bhudda”. Và đó chính là căn lành mà người này đã gieo, và chính nhờ căn lành đó, Đức Thế Tôn đã sẵn lòng nâng đỡ, dìu dắt người “khó độ” kia.
Đức Phật tài lắm. Tâm nguyện ban đầu của Ngài là muốn độ thoát chúng sanh ra khỏi sáu cõi luân hồi, nhưng rồi Ngài biết, đó không phải là tâm nguyện của hầu hết chúng sanh, chỉ một số ít là muốn thế thôi. Nên người tùy duyên mà độ chúng. Cảnh giới Cực Lạc của Phật A-Di-Đà qua nét vẽ của Đức Thích Ca quá đẹp, đó là một biệt tài để khi vừa nghe là ta nảy sinh ý muốn qua đó ở luôn. Chứ nếu khắc họa cảnh giới đó cũng phải cày sâu cuốc bẫm, cũng lấy đất làm giường lấy trời làm chăn, cũng la hét, cũng quạu quọ, cũng í ới nọ kia thì thôi, ở đây cũng vậy, thiết gì lên đó cho nhọc công.
Và trong tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh, không chỉ đơn sơ là giảng giải lại bài Kinh đã có rất nhiều người giảng luận. Thầy hướng dẫn ta thiết lập thế giới Tịnh Độ đó ngay trong đời sống của ta. Mà sau đó, ta có thể giới thiệu cho bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của ta ghé Tịnh Độ của ta. Khi kể về Tịnh Độ của ta, ở đó cũng có những nét vẽ rất đẹp, những hình ảnh thanh cao, âm thanh nhẹ nhàng. Kể thế thì người nghe mới thấy hứng thú mà muốn ghé về Nhà mình chơi, tham quan. Chứ kể ra mà toàn khổ đau, bi lụy, quỷ khóc thần sầu, hai hàng lệ chứa chan thì ôi thôi, bạn sẽ không bao giờ mời được ai đến chơi được đâu. Bởi ai cũng sợ cảnh khổ đau hết. Bạn có biết khu du lịch Suối Tiên, ở đó có khu địa ngục 18 tầng không? Người ta kéo vô đó để tham quan nhưng ai cũng mang trong mình sự sợ hãi, trẻ em rất dễ bật khóc, người lớn đôi khi cũng co ro hoặc đè nén nổi sợ hãi của bản thân bằng cơn giận dữ. Đó không phải là cảnh giới ta muốn ở, ta ghé chơi chút vì xem trong đó trang trí ma mị thế nào, nhưng kêu ta ở luôn trong đó thì thôi, ai muốn ở làm gì.
Tịnh Độ hay Địa Ngục cơ bản là do tâm ta có muốn xây dựng, thiết lập không? Nếu bạn muốn mời người khác đến chơi, hoặc bạn muốn đến ở lâu dài tại một khu vực nào đó, bạn sẽ chọn Địa Ngục hay Cực Lạc? Chắc hẳn bạn sẽ lựa chọn Cực Lạc. Và tất cả chúng ta đều muốn đến Cực Lạc. Vậy sao ta không xây dựng thế giới đang sống của ta thành Cực Lạc – Tịnh Độ, để khi kể cho nhau nghe, ta có thể kể về những hình ảnh đẹp đẽ, những âm thanh trong lành, và đó chính là năng lượng tích cực, năng lượng lành mà ta có thể trao cho nhau. Đừng xây dựng Địa Ngục và rồi vung vẩy những hình ảnh ma quỷ đáng sợ khắp thế gian. Điều đó chẳng phải ở đâu cũng có rồi sao, cần gì thêm thắt nữa cho đời thêm khổ.
Hãy làm đi nhé, đừng nằm mơ mà tưởng rằng mình sẽ đến được cõi Cực Lạc. Chí ít cũng phải có một niệm Namo Amitabaha hay Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa để gieo hạt giống lành. Nhưng hãy nhớ lại câu chuyện Đức Thế Tôn độ người “khó độ” kia, hơn 100 kiếp sau khi người đó cất tiếng niệm mới được độ. Vậy chi bằng sống hơn 100 kiếp lao đao, hãy bắt đầu xây dựng Tịnh Độ ngay phút giây này. Sống ở đâu, hãy tạo Tịnh Độ ở đó.
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa